NTTU – Quản trị Nhân lực là việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực của một công ty, tổ chức một cách hợp lý, hiệu quả. Trong nền kinh tế Việt Nam phát triển, đẩy mạnh hội nhập như ngày nay thì Quản trị Nhân lực đang có xu hướng trở thành nghề “hot” vì vai trò và tầm quan trọng của nghề này quyết định tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp
1. Triển vọng ngành nghề:
Trước đây, tại Việt Nam ngành Quản trị Nhân lực thường được gắn với các khái niệm buồn tẻ của công việc hành chính sự vụ. Nhưng ngày nay, khi kinh tế đất nước phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng thì Quản trị Nhân lực đang có xu hướng trở thành nghề “hot” vì vai trò và tầm quan trọng của nghề này quyết định tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Nghiên cứu những công ty được đánh giá là biết “thực hành nhân sự tốt nhất” (HR Best Practice) ở khu vực Đông Nam Á chỉ ra rằng, cứ khoảng 100 người lao động trong công ty thì cần một nhân viên nhân sự. Hiện nay, nước ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và con số này sẽ không ngừng tăng theo thời gian với tinh thần khởi nghiệp đang được Nhà nước tiếp sức. Chỉ tính riêng tại TP HCM, nơi có gần 140.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng trên 1 triệu người lao động thì phải cần hơn 10.000 nhân viên nhân sự. Thế nhưng, nguồn cung nhân viên nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng lẫn chuyên môn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên nhân sự có chất lượng cũng như nhà quản lý nhân sự giỏi và chuyên nghiệp.
Nắm bắt được triển vọng phát triển của ngành này, nhiều thí sinh đã chọn học ngành Quản trị Nhân lực để tạo dựng tương lai cho mình. Điều này cho thấy nguồn lực quản lý doanh nghiệp để đáp ứng cho nhu cầu phát triển luôn ở mức cao.
2. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Quản trị Nhân lực của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thiết kế mang tính ứng dụng, thực hành cao. SV sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; các kiến thức nền tảng về kinh doanh, quản trị và vận hành doanh nghiệp/tổ chức như quản trị học, quản trị chiến lược, quản trị văn phòng, quản trị vận hành, quản trị marketing, quản trị bán hàng, quản trị tài chính, khởi nghiệp…
Đặc biệt, học ngành này SV còn được trang bị kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực nhân sự thông qua các môn học: Quản trị Nguồn nhân lực, Định mức Lao động Tiền lương, An toàn Lao động, Luật Lao động, Hành vi Tổ chức, Nghệ thuật Lãnh đạo, Quản trị Nhân lực trong môi trường đa văn hóa… Các kiến thức này sẽ giúp người học có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp quản trị nhân sự, từ khâu hoạch định đến thu hút, tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đến động viên, đãi ngộ, đánh giá nhân sự với kỹ năng giao tế nhân sự chuyên nghiệp và biết thực hiện các chính sách quản lý nguồn nhân lực cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, người học ngành Quản trị Nhân lực còn được trang bị khả năng phân tích môi trường kinh doanh; khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động và đánh giá biến động để hoạch định, tổ chức, thực hiện và kiểm soát các kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho tổ chức, doanh nghiệp; thiết lập và quản trị nguồn nhân lực một cách hiệu quả; soạn thảo văn bản, đàm phán, diễn thuyết và ứng xử giao tiếp; có khả năng xây dựng và tổ chức hoạt động công đoàn phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; Làm việc theo nhóm, quản lý nhóm, xây dựng và phát triển quan hệ cộng đồng. Người học còn được trang bị khả năng nghiên cứu khoa học, có thể tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.
Quản trị Nhân lực đang là ngành phát triển mạnh mẽ nên cơ hội làm việc của các sinh viên tốt nghiệp ngành này ngày càng rộng mở
3. Cơ hội việc làm
Quản trị Nhân lực đang là ngành phát triển mạnh nên cơ hội làm việc của các sinh viên tốt nghiệp ngành này càng rộng mở. Với những kỹ năng cũng như các kiến thức đã được trau dồi, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Nhân lực có thể chọn cho mình những vị trí, công việc hấp dẫn như:
- Hành chính nhân sự;
- Chuyên viên quản lý đào tạo: là giảng viên nội bộ hoặc nhân viên quản lý đào tạo;
- Chuyên viên tuyển dụng;
- Chuyên viên chính sách-đãi ngộ;
- Chuyên viên lương- chính sách (C&B);
- Chuyên viên bảo hiểm;
- Chuyên viên truyền thông hay xử lý quan hệ nội bộ;
- Tư vấn nhân sự;
- Headhunter;
- Quản lý đào tạo cho các công ty chuyên về đào tạo;
- Tư vấn các khóa học nhân sự;
- Chuyên viên quản lý nội dung các trang tin tuyển dụng